Giải mã nguyên nhân ùn tắc giao thông ở thành phố Vinh

Quá trình đô thị hóa, TP. Vinh cùng lúc phải đối mặt với 2 vấn đề muôn thuở của đô thị là vấn nạn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và ngập lụt khi mưa lớn. Để giải quyết tình trạng này, TP. Vinh đã và đang có những biện pháp để xử lý bước đầu.
Tái diễn tình trạng ùn tắc
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến tình trạng ùn tắc và coi đó là tái diễn vì cách đây khoảng vài ba năm, khi Bến xe Trung tâm chưa di dời, tình hình ùn tắc mỗi khi vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra trên tuyến Lê Hồng Phong (trước cổng Trường Mầm non Hoa Sen), đường Lê Lợi đi về đường Lý Thường Kiệt hoặc đường Lê Hồng Phong hay đường Quang Trung và đi sang đường Nguyễn Thái Học hay đường Đinh Công Tráng, đường Ngư Hải.
Tuy nhiên, sau khi dời Bến xe Trung tâm ra Bến xe phía Bắc Vinh và cùng với đó là một số giải pháp phân luồng, cải tạo lối rẽ phải trước đèn đỏ tại một số ngã tư giao cắt thì tình trạng ùn tắc đã giảm xuống vài năm lại đây.
Tình trạng ùn tắc giao thông khi có trời mưa liên tục xảy ra ở Vinh. Ảnh tư liệu Quang An

Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, tình trạng ùn tắc tại một số tuyến phố vào giờ cao điểm đã tái diễn, nhất là vào những ngày mưa lớn thì hiện tượng ách tắc càng nặng hơn. Không những thế, do thiếu giải pháp tổng thể nên ùn tắc có xu hướng lan rộng từ đường Hồ Tùng Mậu sang đường Trường Thi, từ đường Nguyễn Thị Minh Khai sang đường Lê Hồng Phong, từ đường Lê Lợi sang đường Nguyễn Thái Học, từ Đại lộ Lê Nin sang đường Nguyễn Sỹ Sách, từ đường Nguyễn Sỹ Sách, sang đường Hà Huy Tập…

Nghệ An có hơn 130.000 ô tô, trong đó 70% tập trung ở thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Quang An

Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc trên là do lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh. Theo thống kê của Công an TP. Vinh, toàn tỉnh hiện có hơn 130.000 xe ô tô, trong đó, khoảng gần 70% lượng xe đang ký ở TP. Vinh. Ngoài ô tô, thành phố còn có khoảng 1 triệu xe máy và hàng trăm ngàn xe máy, xe đạp điện. Với lưu lượng xe như trên, vào giờ cao điểm đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, hiện tượng ùn tắc tại khu vực cổng trường và các nút giao là khó tránh khỏi.

Đường Hồ Tùng Mậu nhiều lần tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Đặc biệt, những ngày đầu tháng 9 vừa qua, khi có mưa, phương tiện giao thông di chuyển có xu hướng tránh các tuyến phố bị ngập dẫn tới hiện tượng ùn ứ, ách tắc rất nặng. Có điểm mưa ngập, xe ô tô chết máy làm ách tắc hàng tiếng đồng hồ và Công an thành phố Vinh phải huy động xe cẩu đến mới xử lý được.
Bên cạnh nguyên nhân số lượng phương tiện gia tăng thì hiện tượng ùn tắc còn do ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện giao thông còn nhiều bất cập. Mặc dù các nhà trường đã nhắc nhở, thậm chí cắm biển đề nghị phụ huynh không dừng, đậu xe hoặc quay đầu xe ở khu vực gần cổng trường học. Tuy nhiên một số phụ huynh vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành nên dẫn đến tình trạng ách tắc giờ cao điểm.

Mặt khác, phần lớn cụm đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố Vinh được đầu tư hàng chục năm nên đã hư hỏng nặng nhưng không có kinh phí để sửa chữa thường xuyên hoặc không có thiết bị thay thế. Mỗi khi mưa xuống, cụm đèn tín hiệu thường gặp sự cố, mất tín hiệu giao thông nên các phương tiện mạnh ai nấy đi. Lực lượng giao thông hướng dẫn, phân luồng giao thông khá vất vả nhưng hiệu quả chưa cao.