LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ HƯNG LỘC

Sự hình thành và phát triển của xã Hưng Lộc gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của quê hương Xô Viết anh hùng. Hưng Lộc nay, Lộc Đa – Đức Thịnh xưa là nơi chứng kiến phong trào đấu tranh bất khuất kiên cường của người dân xứ Nghệ trong buổi “đứng đầu dậy trước”. Đức Thịnh xưa thuộc xã Ngô Xá, Lộc Đa xưa thuộc xã Ngô Trường tổng Yên Trường huyện Chân Lộc (nay là huyện Nghi Lộc). Tại đây vào tháng 7 năm 1929, các hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thành lập nên tổ chức cộng sản đầu tiên. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đây cũng là một trong những địa điểm có sự xuất hiện sớm nhất của Chi bộ Đảng. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê nin và của Đảng, vào năm 1930-1931, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt trong cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nghệ Tĩnh đỏ” gửi Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản ngày 19/02/1931 có đoạn “ Ở Làng Lộc Đa, cách Vinh 2km, 4.000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã đến dự lễ truy điệu những chiến sỹ đã hy sinh…” Từ đây cái tên “Làng Lộc Đa” đã có tầm ảnh hưởng ra trong cả tỉnh, trong cả nước và cả thế giới. Cũng nơi đây đã xuất hiện những người con kiên trung của quê hương Hưng Lộc như Hoàng Trọng Trì, Trần Cảnh Bình, Dương Xuân Thiếp, Uông Nhật Vượng,… đã sớm đi theo ngọn cờ của Đảng, dẫn dắt phong trào đấu tranh của nhân dân gắn với những địa danh Đền Trìa, nhà thờ họ Hoàng, nhà thờ họ Uông,… đã đi vào lịch sử với những đóng góp cho phong trào cách mạng: là nơi họp bàn bí mật của Tỉnh ủy Vinh, nơi in và cất giấu truyền đơn, nơi che chở cho các cán bộ chiến sĩ… góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra thời kỳ mới độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau cách mạng tháng Tám thành công, năm 1946 hai xã Đức Thịnh – Lộc Đa, hợp nhất thành xã Đức Lộc (thuộc phủ Hưng Nguyên), tháng 3 – 1947 một lần nữa xã Đức Lộc sát nhập với Yên Dũng, Yên Lưu để thành xã Hưng Phong. Thực hiện chủ trương của Trung ương, chia tách thành các xã nhỏ, tháng 7-1953 xã Hưng Phong được chia thành 3 xã (Hưng Lộc, Hưng Hòa, Hưng Dũng), tên xã mới Hưng Lộc có từ ngày đó.
Tiếp bước con đường cách mạng, 60 năm kể từ ngày chia tách từ xã Hưng Phong (huyện Hưng Nguyên), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân Hưng Lộc đã vượt qua bao gian nan, thử thách từ trong thời kỳ cách mạng bí mật, lại phải tiếp tục chịu đựng cảnh bom xới đạn đào, làng mạc và ruộng đồng bị tàn phá trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chiến tranh phá hoại đầy ác liệt do đế quốc Mỹ gây ra. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân Hưng Lộc, muôn người như một, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua ái quốc thực hiện công cuộc “Kháng chiến – kiến quốc” thắng lợi. Vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa xây dựng quan hệ sản xuất mới, từ phong trào tổ đổi công, tiến lên thành lập HTX nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng…các phong trào thi đua: “mỗi người làm việc bằng hai”, “vững tay cày, chắc tay súng” đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện tốt khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; xe chưa qua, nhà không tiếc, kiên cường, dũng cảm vừa chiến đấu vừa sẵn sàng phục vụ chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội pháo cao xạ, bộ đội tên lửa, các trạm giao liên, bảo vệ an toàn hàng vạn lượt bộ đội vào chiến trường miền Nam, giúp đỡ, nuôi dưỡng hàng ngàn thương binh về điều trị tại bệnh viện tiền phương đứng chân trên địa bàn xã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ, đã có 832 thanh niên lên đường nhập ngũ, 560 người phục vụ dân công hỏa tuyến, 85 thanh niên xung phong. Toàn xã có 182 liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, 497 thương binh, bệnh binh, 22 gia đình có công với nước, 19 cán bộ lão thành cách mạng, 5 người được Chính phủ tặng Bằng có công với Nước, 1 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với những đóng góp to lớn đó, xã Hưng Lộc vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Tháng 12/1970, thực hiện Quyết định số 80-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc sáp nhập các xã Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Vĩnh, Hưng Đông vào Thành phố Vinh, kể từ đó đến nay, sự phát triển của xã nhà gắn liền với sự phát triển đi lên chung của Thành phố.
Xã Hưng Lộc hiện nay có diện tích 671 ha, có 18 xóm với dân số trên 22.000 người; diện tích đất nông nghiệp là 221 ha; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,6 %/năm. Kinh tế của xã đã đi vào tăng trưởng ổn định, các nguồn lực được phát huy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,6%, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng cao. Thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay đã đạt 19/19 tiêu chí.
Lĩnh vực văn hoá xã hội được quan tâm chăm lo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Có 17/18 xóm đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Mạng lưới trường lớp trên địa bàn xã khang trang, sạch đẹp; 03 trường và trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, có 3 di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia; thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá lành mạnh trong nhân dân; Các hoạt động VHVN, TDTT được tích cực triển khai bằng nhiều loại hình phong phú, ngày càng nâng cao về chất lượng tạo ra phong trào sôi nổi trong nhân dân.
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng an ninh.
Hệ thống chính trị xã luôn được kiện toàn củng cố theo hướng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý điều hành; Đảng bộ xã có 21 chi bộ trực thuộc, với hơn 1300 đảng viên. Công tác tổ chức cán bộ ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới.